Nếu là người yêu nghệ thuật, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua về giấy origami rồi. Nhưng nếu là người mới mới bắt đầu tìm hiểu về nghệ thuật xếp giấy này thì bài viết này thật sự hữu ích với bạn đấy.
Nhắc tới văn hóa truyền thống của người Nhật Bản, thì điều đáng ghi nhận là sự chuyên cần tỉ mỉ, chính xác cho từng chi tiết. Có những thú vui tưởng chừng như giản đơn nhưng được nâng lên là một nét nghệ thuật độc đáo bởi óc sáng tạo, bàn tay khéo léo và sự kiên trì nhẫn nại của người Nhật đã làm nên những tác phẩm đẹp mê hồn từ những vật dụng rất đơn giản và thông dụng.
Chữ origami trong tiếng Nhật bắt nguồn từ hai chữ: ori là gấp hay xếp và kami là giấy. Origami chỉ được dùng từ 1880; trước đó, người Nhật dùng chữ orikata.
Origami hay nghệ thuật xếp giấy là sự kết hợp những cách gấp đơn giản để biến miếng giấy hình chữ nhật (2 chiều), mà thường là hình vuông, thành những hình phức tạp (3 chiều), không cắt dán trong quá trình gập, đây cũng là xu hướng của origami hiện đại. Không giống như người ta thường nghĩ, các quy tắc origami truyền thống của Nhật Bản (bắt đầu từ khoảng triều Edo 1603-1867), lại ít nghiêm ngặt hơn origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp.
Origami là môn nghệ thuật có truyền thống lâu đời của người Nhật
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, người ta ghi nhận rằng nghệ thuật xếp gấp giấy bắt nguồn từ Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ 1 hay thứ 2. Sau đó, thuật xếp giấy này đã lan sang Nhật vào thế kỷ thứ 6. Được người Nhật sáng tạo và cải biến từ các loại chất liệu giấy biến nó thành một nghệ thuật độc đáo của xứ sở hoa anh đào. Vào triều đại Muromachi 1392-1573 những sản phẩm của nghệ thuật gấp xếp giấy đã được dùng để phục vụ lễ nghi.
Vì nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm là giấy, nên người Nhật đã áp dụng và biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như nguyên liệu chế tạo giấy. Người Nhật tự hào về công nghệ sản xuất giấy có chất lượng cao, với họa văn họa tiết trang nhã, gấp mở nhiều lần không rách, mềm, bền và đẹp… Đây là loại giấy mà với người Nhật nó gắn liền với văn hóa của họ, là loại giấy đặc trưng có một không hai trên thế giới mà được nhiều người biết tới với cái tên Washi. Và cũng từ đây nghệ thuật xếp giấy Origami của người Nhật Bản chính thức được nâng lên xứng tầm là một loại hình nghệ thuật gắn liền với văn hóa truyền thống của người Nhật Bản.
Tổng hợp các loại giấy thông dụng trong Origami
Giấy washi
Là một loại giấy đặc trưng của Nhật Bản và làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nó rất nhẹ và có nhiều họa tiết đẹp nên rất thích hợp gấp origami đòi hỏi nhiều họa tiết. Tuy nhiên, không giống như giấy bình thường làm từ bột gỗ, washi lấy nguyên liệu từ vỏ cây Nhật Bản như gampi, hay dướng, nhưng cũng có thể được làm từ tre, cây gai dầu, gạo, và lúa mì. Washi của Nhật Bản nổi tiếng vì có khả năng in được nhiều thiết kế, họa tiết đẹp lên trên, độ nhẹ và cảm giác khi sờ lên giấy của washi cũng khác so với các loại giấy khác.
Giấy thủ công
Giấy này ở Việt Nam có nhiều loại, nhưng chất lượng giấy tốt nhất là nghệ thuật 12 màu do Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà sản xuất. Giá bán khoảng 7000đ/12 tờ. Bạn có thể mua tại hầu hết các cửa hàng văn phòng phẩm.
Origami – điều thần kỳ của giấy
Lịch sử phát triển lâu đời của nghệ thuật Origami đã hình thành nhiều loại Origami với những đặc thù riêng. Mỗi người tham gia môn nghệ thuật này có thể chỉ cần tuân theo các quy tắc của một loại nhất định. Tuy vậy, cũng không hiếm người đam mê gấp giấy nên đã tìm hiểu cặn kẽ về quy tắc của tất cả các lọai Origami. Nét đặc biệt của nghệ thuật Origami là ở chỗ người gấp chỉ sử dụng duy nhất một tờ giấý, mà không hề sử dụng thêm keo hay hồ dán. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi người gấp phải thật sự khéo léo và tỉ mẩn. Họ có thể sáng tạo ra nhiều cách gấp để tạo nên nhiều mẫu vật đa dạng.
Hầu hết các mẫu gấp phức tạp đều dựa trên những mẫu cơ bản sau đó được sáng tạo thêm. Bốn mẫu cơ bản trong gấp giấy gồm có: gấp diều, gấp cá, gấp chim và gấp ếch. Gấp động vật và hình khối đa diện là lựa chọn phổ biến của rất nhiều người để rồi từ đó thiên biến vạn hóa ra rất nhiều hình mẫu. Dựa trên những bản hướng dẫn chi tiết mà mỗi người lại có thể thay đổi cách gấp theo sở thích của riêng mình.
Origami không chỉ là một trò chơi tiêu khiển giải trí hay làm đồ trang trí thông thường. Mà nó là một loại hình nghệ thuật rất độc đáo. Từ đó để kích thích sự sáng tạo và phóng tác của các nghệ sĩ người ta coi trọng những sản phẩm và bắt đầu biết thưởng thức hơn.
Tại sao Origami lại cần tới trí tuệ? Bởi để tạo được một tác phẩm giấy đẹp mắt, đòi hỏi người ta phải có tinh thần tập trung cao độ, sự tỉ mỉ và chính xác tới từng nếp gấp, từng chi tiết xếp ghép. Mặt khác trí tưởng tưởng và kiến thức tạo hình khối, cũng như kiến thức về hình học không gian. Khả năng tuy duy hình ảnh trừu tượng hay không gian 3 chiều… Một tác phẩm càng khó thì càng kỳ công. Đây cũng là một thước đo để đánh giá về tinh thần kiên nhẫn và tính thẩm mĩ của người thực hiện.
Ngày nay người ta phát hiện ra rằng, nghệ thuật gấp giấy Origami còn là một liệu pháp giúp giải tỏa tâm lí, trấn an tinh thần. Có tác dụng tích cực trong việc kích thích tinh thần trở nên phấn khởi, tạo niềm vui cho người gấp mỗi khi hoàn thành bất kì một tác phẩm nào.
Chính vì thế mà Origami không chỉ đơn thuần được coi là một trò chơi giải trí, mà là một bộ môn nghệ thuật trí tuệ, một nét văn hóa đặc sắc của đất nước mặt trời mọc.
Người Nhật coi nghệ thuật Origami như một môn giáo dục con người và giúp con người cân bằng tâm lý
Origami là một môn nghệ thuật nhẹ nhàng tỉ mỉ. Có tác dụng làm êm dịu thần kinh, cân bằng lại trí não, chữa bệnh mất ngủ và giảm thiểu căng thẳng do áp ức từ cuộc sống. Nên nhiều bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu đã dùng origami như một liệu pháp bổ ích vật lý và tinh thần. Bác sĩ Ronald S. Levy, tại Hội Thảo Quốc Tế lần thứ nhì về origami đối với giáo dục và trị liệu, đã kêu gọi dùng origami để phục hồi chức năng và trị liệu về tay.
Trong y học cổ truyển Trung Quốc cho rằng, 10 đầu ngón tay là những đầu mối của những dây thần kinh tập trung trên não. Việc hoạt động thường xuyên các ngón tay chính là làm tăng khả năng làm việc của trí não, kích thích việc ghi nhớ chống lãng quên ở người già. Chính vì vậy ngay từ thời sơ khai của nghệ thuật gấp giấy ở Trung Hoa, người ta đã khuyến khích sử dụng loại hình nghệ thuật này.
Nên khi nó được lan truyền sang Nhật Bản, thì người Nhật lại thấy được sự tích cực của nó trong việc duy trì và phát triển trí não sáng suốt minh mẫn qua hoạt động đôi tay. Nên đã biến nó từ một môn mang tính giải trí trở thành một môn nghệ thuật rồi nâng tầm lên thành tính giáo dục.
Nghệ thuật Origami giúp con người phát triển tư duy hình học. Có rất nhiều cao thủ Origami sáng tác được những tác phẩm có độ khó và mang theo hình mẫu phức tạp. Họ có phương châm: “Bạn nhìn thấy gì, tôi tưởng tượng được; bạn tưởng tượng gì, tôi gấp được.”
Thế giới đầy màu sắc của nghệ thuật gấp giấy Origami Nhật Bản luôn khiến cho người xem phải trầm trồ thán phục. Từ một trang giấy vô hồn, dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ Nhật Bản, nó đã trở thành một tác phẩm độc đáo.
872 views